Khái quát Đại tạng kinh

Theo các truyền thống Phật giáo, sau khi Đức Phật nhập diệt, 500 đại đệ tử của Ngài, do Tôn giả Ma-ha Ca-diếp lãnh đạo, đã thực hiện kết tập Tam tạng, nhằm bảo tồn nguyên vẹn những lời dạy của Đức Phật.[5] Trong lần kết tập này, phần giới luật do Tôn giả Ưu-bà-li tụng đọc và phần các bài giảng của Đức Phật do Tôn giả A-nan tụng đọc để đại chúng cùng kết tập và ghi nhớ theo lối khẩu truyền. Phần giới luật của Tôn giả Ưu-bà-li hình thành nên Bát thập tụng luật, nền tảng cho phần Luật tạng sau này. Và phần các bài giảng của Đức Phật của Tôn giả A-nan là nền tảng của phần Kinh tạng sau này.[6][7]

Nhiều học giả nghiên cứu Phật giáo hiện đại nghi ngờ sự tồn tại cũng như việc các kinh điển thực sự đã được kết tập ở Đại hội kết tập lần thứ nhất.[7] Theo Louis Finot, có thể chỉ tồn tại một tạng văn duy nhất trong lần kết tập này và chỉ về sau mới được phân thành những phần Kinh tạngLuật tạng riêng biệt.[8] Tương tự, các học giả cũng xác định phần Luận tạng chỉ được tập thành vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên,[9][10] khởi đầu từ những bài luận giải nghĩa kinh của đệ tử hậu nhân,[11] rồi phát triển thành những học thuyết độc lập.[12]

Truyền thống Phật giáo Nam truyền ghi nhận hệ thống tạng kinh được truyền khẩu qua các buổi tụng đọc thường xuyên của cộng đồng Tăng-già cho đến tận thế kỷ thứ Nhất trước Công nguyên, khi các tạng kinh được lập thành văn tự.[13] Truyền thống Thượng tọa bộ ghi nhận bộ Đại tạng kinh đầu tiên được kết tập và viết ra bằng tiếng Pali tại chùa Alu Viharaya (Sri Lanka) trong kỳ Đại hội kết tập lần thứ tư. Tuy thời điểm kết tập được ghi nhận khá mơ hồ, nhưng các học giả thống nhất rằng nó diễn ra không sớm hơn các năm 29–17 TCN.[14] Thành quả của cuộc kết tập này là bộ kinh điển được viết lên lá cọ và được truyền bá sang Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào ngày nay. Một bộ Đại tạng kinh khác cũng được lập thành văn tự, do phái Nhất thiết hữu bộ thực hiện tại thành Kasmira nước Kushan, được chép bằng chữ Phạn lên các lá đồng.[15]

Thời kỳ Bộ phái xuất hiện nhiều Đại tạng riêng của các bộ phái. Theo một số nguồn, một số bộ phái có đến 5 hoặc 7 tạng kinh.[16] Khi hành hương sang Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII, nhà sư Nghĩa Tịnh ghi nhận được bốn bộ Đại tạng chính của các bộ phái phi Đại thừa, gồm của Đại chúng bộ, Nhất thiết hữu bộ, Trưởng lão bộChính lượng bộ.[17]